Giỏ hàng

Vô sinh, muộn con do các bệnh lây qua đường tình dục và cách phòng tránh

Vô sinh không chỉ tạo ra gánh nặng chi phí đáng kể cho bệnh nhân mà còn là tác nhân gây căng thẳng tâm lý lớn cho hàng triệu cặp vợ chồng.

I. Vô sinh do đâu?

Trước đây, nếu một cặp vợ chồng vô sinh thì người ta thường nghĩ nguyên nhân là do lỗi của người vợ gây ra (!?).  Tuy nhiên khoa học ngày một phát triển không ngừng đã chứng minh rằng, vô sinh không chỉ do nữ giới chịu trách nhiệm mà còn do cả nam giới.

Vô sinh nữ, được định nghĩa là không có khả năng thụ thai sau 12 tháng hoặc lâu hơn khi quan hệ tình dục thường xuyên không sử dụng các biện pháp tránh thai. 

Vô sinh nam, liên quan đến các bộ phận sinh dục, số lượng và chất lượng tinh trùng… 

Tuy nhiên, vô sinh nữ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, thường được chia thành các nguyên nhân như: yếu tố nội tiết, yếu tố âm đạo, cổ tử cung, tử cung, ống dẫn trứng, vòi trứng và bệnh vùng chậu - phúc mạc do các bệnh nhiễm trùng khác nhau, trong đó bệnh nhiễm trùng đường tình dục chiếm vai trò đáng kể.

Vô sinh không chỉ tạo ra gánh nặng chi phí đáng kể cho bệnh nhân và hệ thống chăm sóc y tế (khám, chữa vô sinh, thụ tinh nhân tạo…) mà còn là tác nhân gây căng thẳng tâm lý lớn cho hàng triệu cặp vợ chồng.

Ở một số khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, nơi mà việc sinh con của các cặp vợ chồng được coi trọng và mong đợi, vô sinh có thể dẫn đến kỳ thị, cô lập xã hội, trong khi đó, bệnh lây qua đường tình dục gặp ở các nước này chiếm tỷ lệ đáng kể.

II. Một số bệnh lây qua đường tình dục (ĐTD) có thể gây vô sinh

1. Bệnh lậu

Trước hết phải kế đến bệnh lậu do vi khuẩn lậu (Neisseria gonorrhoeae) gây ra. Bệnh gặp chủ yếu ở bộ phận sinh dục cả nam và nữ giới.

Nếu bị bệnh lậu mà không được phát hiện sớm, điều trị đúng, có thể dẫn đến biến chứng, trong đó biến chứng vô sinh là đáng lo ngại nhất. Hiện nay, phát hiện muộn và điều trị sai không phải hiếm thấy. Bởi vì, các triệu chứng của bệnh lậu cấp dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm đường tiết niệu (cả nam và nữ giới) hoặc nhiễm trùng âm đạo (nữ giới).

Biến chứng của bệnh lậu đối với nam giới ở ĐTD là có thể gây viêm mào tinh hoàn, tinh hoàn. Từ đó việc sản xuất tinh trùng sẽ gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng rất lớn đến số lượng cũng như chất lượng tinh trùng và gây vô sinh nam.

Đối với nữ giới mắc bệnh lậu ở ĐTD cũng rất dễ nhầm lẫn với bệnh viêm âm đạo, cổ tử cung do những bệnh nhiễm trùng khác. Nếu mắc bệnh lậu không phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ vô sinh do vi khuẩn lậu làm tổn thương cổ tử cung, vòi trứng, ống dẫn trứng gây vô sinh. Ngay cả khi vi khuẩn lậu gây viêm âm đạo cũng đã làm cho việc thụ tinh rất khó khăn bởi pH của âm đạo bị thay đổi…

2. Bệnh do vi khuẩn Clammydia hoặc Mycoplasma

Bệnh lây qua ĐTD gây vô sinh cũng phải phải kể đến do mắc bệnh bới vi khuẩn Clammydia (Chlamydia trachomatis) hoặc Mycoplasma (Mycoplasma genitalium). Khi mắc bệnh ĐTD do một trong hai loại vi khuẩn này rất khó phát hiện do kích thước hình thể của chúng vô cùng nhỏ bé không thể soi dưới kính hiển vi quang học thông thường được (kính hiển vi ở các phòng thí nghiệm bệnh viện).

Hai vi khuẩn này trước đây được xếp vào loại trung gian giữa vi khuẩn và virus (bây giờ được xếp vào họ vi khuẩn) bởi đặc điểm sinh học của chúng vừa giống virus (giống virus vì kích thước vô cùng nhỏ bé và chưa có môi trường nuôi cấy nhân tạo), nhưng lại chịu tác dụng của kháng sinh lại giống với đặc tính của vi khuẩn. 

Trong khi đó, triệu chứng lâm sàng của một trong hai vi khuẩn này gây nên rất giống bệnh lậu, cho nên trên thế giới, các nhà khoa học gọi là "bệnh lậu, không phải lậu", tức là triệu chứng rất giống bệnh lậu nhưng tác nhân gây bệnh không phải do vi khuẩn lậu mà do Chlamydia hoặc do Mycoplassma. 

Cả hai loại vi khuẩn này khi gây bệnh ĐTD cho một ai đó vừa khó phát hiện lại vừa khó điều trị, trong khi đó khi mắc bệnh ĐTD chúng vẫn gây tổn hại đến các cơ quan sinh dục tương tự như vi khuẩn lậu và có thể gây vô sinh (cả nam nữ).

3. Bệnh giang mai

Một loại vi khuẩn khác gây bệnh ĐTD gặp chủ yếu ở các nước kém phát triển và đang phát triển, trong đó có nước ta là bệnh giang mai.

Bệnh giang mai do vi khuẩn giang mai (Treponema palidum) gây ra. Tùy theo từng giai đoạn phát triển của bệnh, vi khuẩn giang mai có thể gây tổn thương nhiều cơ quan và hậu quả xấu nếu không phát hiện, chữa trị đúng. Mắc bệnh giang mai có thể gây vô sinh cho cả nam hoặc nữ. 

Tuy nhiên, bệnh giang mai so với bệnh do Chlamydia hoặc Mycoplassma, việc phát hiện dễ dàng hơn, điều trị thuận lợi hơn vì vi khuẩn giang mai chưa kháng thuốc kháng sinh, đặc biệt vẫn còn nhạy cảm tốt với kháng sinh họ Penicillin, nếu người bệnh đến phòng khám chuyên khoa sớm.

4. Bệnh do trùng roi

Có một số ký sinh trùng gây bệnh ở đường sinh dục - tiết niệu có thể gây vô sinh, điển hình như loại trùng roi Trichomonas vaginalis (trùng roi âm đạo).

Loại trùng roi này gặp chủ yếu ở nữ giới do tiếp xúc với môi trường nước bẩn (ngâm mình dưới nước để lao động, tắm ở ao hồ…). Khi mắc bệnh viêm âm đạo, cổ tử cung nếu không được điều trị dứt điểm có thể gây vô sinh. Phụ nữ mắc bệnh này rất dễ lây cho nam giới khi sinh hoạt tình dục và có thể ảnh hưởng xấu đến sinh sản của nam giới.

5. Nhiễm virus Herpes

Ngoài các bệnh kể trên, nhiễm Herpes sinh dục có thể liên quan đến giảm số lượng tinh trùng khiến cơ thể nam giới khó sản xuất tinh trùng hơn có thể gây vô sinh nam.

III. Cách phòng tránh bệnh lây qua đường tình dục

Các bệnh lây qua ĐTD có thể phòng tránh được bằng cách có ý thức bảo vệ mình và bạn đời khi am hiểu các kiến thức về tình dục an toàn bằng cách:

  • Quan hệ một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi, đặc biệt là gái mại dâm;
  • Có sử dụng bao cao su khi quan hệ;
  • Vệ sinh thân thể, bộ phận sinh dục trước và sau khi quan hệ;
  • Không sử dụng các chất kích thích như ma túy, rượu...;
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện và điều trị kịp thời.
Facebook Youtube
backtotop hover